Quyết toán là việc tập hợp và kiểm tra lại toàn bộ khối lượng, giá trị, tính hợp lệ… của toàn bộ nội dung công việc đã làm của cơ quan đối với một đơn vị nào đó. Theo đó, quyết toán có nghĩa là xác định lại số liệu kế toán của đơn vị kinh doanh trong 1 kỳ hoặc 1 giai đoạn cụ thể nào đó.
1. Hồ sơ quyết toán thuế TNDN và thời hạn nộp
Doanh nghiệp có năm tài chính trùng năm dương lịch: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (ngày 31/3/2022).
Doanh nghiệp có năm tài chính khác năm dương lịch: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.
- Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (áp dụng đối với phương pháp tỷ lệ trên doanh thu): Mẫu số 04/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.
- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (áp dụng đối với phương pháp doanh thu – chi phí) theo mẫu số 03/TNDN và một số các Phụ lục đính kèm ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.
- Phụ lục thuế TNDN được giảm theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ban hành kèm theo Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ.
- Báo cáo tài chính năm hoặc Báo cáo tài chính đến thời điểm chấm dứt hoạt động hoặc chấm dứt hợp đồng hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp không phải lập báo cáo tài chính theo quy định).
- Tờ khai giao dịch liên kết: Người nộp thuế có giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ có trách nhiệm kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Các tài liệu khác có liên quan đến quyết toán thuế.
(NNT tham khảo điểm mới của từng mẫu biểu hồ sơ khai thuế tại Công văn số 4384/TCT-CS ngày 12/11/2021 của Tổng cục Thuế).
>> Tham khảo: Những sai lầm về CRO và cách tránh chúng.
2. Mức phạt quyết toán thuế chậm
Căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, người nộp thuế nếu quyết toán thuế muộn, quá thời hạn sẽ phải chịu xử phạt. Cụ thể, tại Điều 9 của Thông tư số 166/2013/TT-BTC, Bộ Tài chính đã quy định mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định như sau:
– Phạt cảnh cáo đối với các hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 1-5 ngày, nếu có tình tiết giảm nhẹ.
– Phạt tiền 700.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 1-10 ngày (ngoại trừ trường hợp đã quy định bên trên). Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu là 400.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tối đa không quá 1.000.000 đồng.
– Phạt tiền 1.400.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 10-20 ngày. Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu là 800.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa là 2.000.000 đồng.
– Phạt tiền 2.100.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 1.200.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 3.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 20 ngày đến 30 ngày.
– Phạt tiền 2.800.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ trên 30-40 ngày. Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu là 1.600.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền tối đa là 4.000.000 đồng.
>> Tham khảo: Lắng nghe tích cực trong bán hàng.
– Phạt tiền 3.500.000 đồng; hoặc tối thiểu 2.000.000 đồng nếu có tình tiết giảm nhẹ; hoặc tối đa 5.000.000 đồng nếu có tình tiết tăng nặng đối với các trường hợp sau:
- Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 40-90 ngày.
- Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định trên 90 ngày nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc thuộc trường hợp quy định tại Khoản 9, Điều 13 của Thông tư này.
- Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp (trừ trường hợp pháp luật có quy định không phải nộp hồ sơ khai thuế).
- Nộp hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý quá thời hạn quy định trên 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng chưa đến thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm.
3. Các bước quyết toán thuế
Để thực hiện quyết toán thuế TNDN trực tuyến nhanh chóng và chính xác, quý doanh nghiệp có thể thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Truy cập và đăng nhập vào cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế
Để quyết toán thuế TNDN online, bước đầu tiên bạn cần làm là mở trình duyệt (Coccoc, Google Chrome,..) rồi truy cập vào địa chỉ website https://thuedientu.gdt.gov.vn/.
Trên giao diện chính của trang Thuế điện tử, bạn nhấn chọn hệ thống thuế điện tử “DOANH NGHIỆP” để có thể tiến hành đăng nhập vào tài khoản của đơn vị mình.
Đối với các DN chưa đăng ký tài khoản trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thì phải tiến hành đăng ký trước khi đăng nhập. Chi tiết đăng ký tài khoản sẽ được hướng dẫn tại link này.
Sau khi nhấn ô “Đăng nhập” ở góc phải bên trên màn hình, giao diện “ĐĂNG NHẬP HỆ THỐNG” sẽ hiển thị, bạn cần điền đầy đủ các trường thông tin được yêu cầu:
- Tên đăng nhập: Là mã số thuế của doanh nghiệp kèm với đuôi “-QL”.
- Mật khẩu: Là mật khẩu doanh nghiệp đã mặc định dùng cho việc đăng nhập tài khoản.
- Đối tượng: Chọn “Người nộp thuế”.
- Mã xác nhận: Nhập lại mã đã được hệ thống cấp.
Cuối cùng, sau khi điền đủ thông tin, bạn nhấn ô “Đăng nhập” để hoàn tất bước đăng nhập vào hệ thống.
Bước 2: Tải tờ khai thuế TNDN đã kết xuất XML lên hệ thống
Hiện nay, để khai và quyết toán thuế, bạn và DN có thể lựa chọn cách khai thuế TNDN trên HTKK từ trước rồi khi quyết toán chỉ việc tải lên hoặc chọn kê khai trực tiếp trên trang thuedientu.gdt.gov.vn. Dưới đây bài viết sẽ hướng dẫn bạn cách tải tờ khai thuế TNDN đã được kê khai trên HTKK để quyết toán.
Thực tế, dù là chọn cách nào thì kết quả cuối cùng bạn vẫn phải tiến hành xuất kết tờ khai ở dạng XML để phục vụ cho việc nộp tờ khai thuế TNDN qua mạng.
Sau khi đã tạo lập đủ các tờ khai cần thiết, bạn tiến hành tải tờ khai lên trang thuedientu.gdt.gov.vn như sau:
Trên giao diện trang chủ, bạn chọn chức năng “Khai thuế”, chọn tiếp “Nộp tờ khai XML”.
Trên giao diện “Nộp tờ khai XML”, bạn nhấn chọn ô “Chọn tệp tờ khai” để có thể tải tờ khai XML lên hệ thống.
Bước 3: Ký điện tử
Khi tờ khai đã được tải lên hệ thống, bạn nhấn chọn “Ký điện tử” trước khi nộp tờ khai.
Lưu ý rằng, muốn ký điện tử thành công, trước đó, bạn cần đảm bảo USB Token đã cắm vào máy tính đang sử dụng thì mới có thể tiến hành nộp tờ khai quyết toán thuế. Đối với các trường hợp lần đầu cắm thì bạn cần phải cài đặt chữ ký số vào máy tính trước, để việc ký điện tử không bị gián đoạn.
Sau khi nhấn “Ký điện tử”, cửa sổ “iHTKK” sẽ hiển thị, việc của bạn là cần nhập đúng “Số PIN” rồi nhấn ô “Chấp nhận” để hoàn tất bước ký điện tử.
>> Tham khảo: Báo cáo tài chính doanh nghiệp là gì?
Bước 4: Nộp tờ khai qua mạng
Sau khi đã ký điện tử thành công, bạn nhấn ô “Nộp tờ khai” để có thể gửi tờ quyết toán thuế TNDN đến cơ quan thuế.
Đến đây thì nghiệp vụ nộp quyết toán thuế TNDN online đã hoàn tất. Song để chắc chắn bước nộp tờ khai qua mạng đã thành công, bạn có thể thực hiện tiếp bước kiểm tra lại việc nộp tờ khai.
Thông thường, sau khoảng tối đa 15 phút nộp hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế sẽ gửi lại thông báo sẽ tiếp nhận hồ sơ; trong vòng 1 ngày làm việc, kể từ thời điểm tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế sẽ gửi lại thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế tới cho người nộp thuế.
Do đó, người nộp thuế có thể căn cứ vào đây để kiểm tra thông tin cơ quan thuế gửi về nhằm chắc chắn nghiệp vụ quyết toán thuế online 2020 với thuế TNDN của mình được thành công.